Lê Chân, Hải Phòng: Học Bác, lòng ta trong sáng hơn

Những kết quả nổi bật của quận Lê Chân trong năm 2019 được khơi nguồn từ chặng đường 3 năm đẩy mạnh học tập và làm theo Bác.

 

Giải thưởng của Hội thi quận Lê Chân đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác đã có chủ, nhưng kết quả của Hội thi đã vượt ra khỏi giải thưởng, trở thành nếp nghĩ, nếp sống, hành động thiết thực để Lê Chân trở thành quận đáng sống của Thành phố Hải Phòng.

Hé lộ tương lai...

Quận Lê Chân sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Bác bằng cách tổ chức Hội thi có chủ đề “Lê Chân trong trái tim tôi”. Ông Lê Trung Kiên, Bí thư Quận ủy Lê Chân cho biết, đây là cách làm mới mẻ, sáng tạo của Ban Thường vụ Quận ủy với hy vọng sẽ lan tỏa sâu rộng việc học tập, noi gương Bác tới mọi người dân trong quận.

Hội thi được chia thành Phần thi viết và Phần thi sân khấu hóa. Phần thi viết tìm hiểu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và 50 năm thực hiện Di chúc của Bác; về những tấm gương tập thể, cá nhân điển hình về học tập và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể tại địa phương, đơn vị mình. Riêng phần thi sân khấu hóa đã cụ thể hóa trên sân khấu những bài học về Bác, từ những tấm gương sáng nhưng rất đỗi bình dị, đời thường ở quận Lê Chân.

Những đêm diễn hấp dẫn về kịch bản, phong phú về hình thức thể hiện, chứa những thông điệp sâu sắc về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, về thực hiện Di chúc của Người đã thu hút lượng lớn người theo dõi.

Gặp anh Lê Quang Đồng, Bí thư phường Dư Hàng Kênh, anh cho hay, tiểu phẩm “Hát mãi khúc quân hành” của phường Dư Hàng Kênh đề cập đến vấn đề “nóng” giải phóng mặt bằng đã đạt giải A trong Hội thi. “Hội thi diễn ra đúng thời điểm phường đang gặp khó khăn trong việc giải phóng mặt bằng để xây dựng trục đường hồ sen - Cầu Rào 2. Một số người dân không chấp nhận giá đền bù của thành phố, hoặc về việc tái định cư, hay kiểm đếm diện tích, tài sản trên đất... Thế nhưng sau hội thi, người dân đã có sự chuyển biến tư tưởng rõ rệt, giúp công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn phường thuận lợi hơn rất nhiều”.

Không chỉ riêng Dư Hàng Kênh, mà các phường trong quận Lê Chân đều nhận thấy hội thi đã có những tác động tích cực, mang tới luồng sinh khí mới cho cuộc sống người dân. Các đảng viên hào hứng tham gia, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, khí thế thi đua sôi nổi trong đảng bộ địa phương, đơn vị. Có những đảng viên ở vào tuổi bát thập, cửu thập vẫn tham gia với những tác phẩm công phu, dày hàng trăm trang được viết bằng tay có đính kèm ảnh, chia sẻ giản dị về những điều tốt đẹp học được ở Bác trong cuộc sống, trong công việc. Nhiều tác phẩm được đầu tư kỹ lưỡng của các em học sinh bậc trung học cơ sở...

Trò chuyện với những người tham gia Hội thi, tôi nhận ra họ dự thi với lòng kính yêu Bác Hồ vô hạn, nhất là sau 3 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương của Bác. Ths. Nguyễn Thị Minh Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy Lê Chân cảm động: “Giải thưởng chỉ mang ý nghĩa tinh thần nhưng mọi người tham gia rất tích cực, tâm huyết. Nhiều thí sinh đã đem đến Hội thi những câu chuyện chân thực, sâu sắc, ý nghĩa về các điển hình tiêu biểu, có sức lan tỏa trong cộng đồng. Nhờ vậy mà chúng tôi biết nhiều hơn những người tốt việc tốt trong quận. Từ ấy, soi rọi vào mình, tự nhủ phải cố gắng nhiều hơn nữa”.

Trường THCS Ngô Quyền của quận Lê Chân 100% các thầy cô và khoảng 500 học sinh khối 8, 9 tham gia hội thi này. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Qua hội thi này, mỗi cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường thấy được trách nhiệm của mình trong việc tu dưỡng, rèn luyện tác phong, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thể hiện bằng những việc làm cụ thể như: Lên lớp đúng giờ, thực hiện quy chế chuyên môn, xây dựng các lớp học kiểu mẫu, xây dựng danh hiệu nhà giáo được học sinh tin yêu, chan hòa, thân thiện với HS, với phụ huynh HS, gần gũi với nhân dân để lắng nghe ý kiến trái chiều, từ đó các thầy cô điều chỉnh cho phù hợp”.

Trong tác phẩm dự thi đạt giải A của mình, ngoài nói về những thành tựu của Đảng bộ, nhân dân quận Lê Chân trong suốt thời gian qua, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương còn đề cập chi tiết về việc học tập Bác Hồ, thể hiện từ những việc làm thường ngày của một Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường; về hướng tu dưỡng, rèn luyện bản thân. “Tôi đã lên kế hoạch để sau cuộc thi sẽ tiếp tục đưa trường THCS Ngô Quyền trở thành một trong những trường trọng điểm của quận, của thành phố, một mái trường có môi trường hạnh phúc, an toàn, thân thiện; các em học sinh cũng hướng tới mục tiêu đó để trở thành con ngoan, trò giỏi”, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương chia sẻ.

Nhiều em học sinh chia sẻ, Hội thi là dịp để các em nói lên niềm tin, ước mơ về một cuộc sống tươi đẹp và sẽ đem sức mình góp phần xây dựng nên cuộc sống ấy. Em Vũ Ngọc Phương Nam, lớp 12A11, trường THPT Ngô Quyền tâm sự về lý do tham gia Hội thi: “Em muốn đóng góp tiếng nói, sức trẻ để xây dựng nên một thành phố văn minh, tươi đẹp. Tấm gương của Bác chính là kim chỉ nam cho em. Noi theo Bác, phát huy lòng nhân ái, em luôn tổ chức các hoạt động tình nguyện trong trường, như đến với người già neo đơn, người ăn xin trên địa bàn thành phố và trẻ em ở các làng trẻ mồ côi. Cho đi tình yêu thương, em thấy cuộc sống đẹp, ý nghĩa và hạnh phúc hơn”. Có lẽ không quá lời khi nói Hội thi này đã hé lộ về một thế hệ tương lai tươi đẹp của quận Lê Chân.

Một Lê Chân mới trong mùa Xuân mới

Hội thi có sức lan tỏa sâu rộng, tạo được hiệu ứng tốt, sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong toàn quận, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nếp sống văn hóa mới, củng cố nền tảng, tư tưởng và đạo đức cho xã hội. Bí thư Quận ủy Lê Chân Lê Trung Kiên khẳng định: “Cuộc thi đã rất thành công khi thu hút được lượng người tham gia đông đảo, và dự thi một cách nghiêm túc, thể hiện qua gần 7.000 bài dự thi của các cá nhân và tập thể. Rất nhiều bài thi được đầu tư công phu về nội dung, trình bày đẹp, thể hiện được tình cảm, sự kính trọng của tác giả đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, cũng như tâm huyết trong việc học tập và làm theo Bác. Hội thi giúp phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến, những gương người tốt việc tốt, khơi dậy tính hướng thiện của mỗi cá nhân, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội. Qua hội thi, người dân quận Lê Chân hiểu hơn và thêm tự hào về mảnh đất mình đang sinh sống”.

Tuyến đường tàu - từng là một tụ điểm về tệ nạn xã hội - giờ trở thành một hình mẫu văn minh đô thị.

Ông Nguyễn Văn Phiệt, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Lê Chân khẳng định: “Những kết quả nổi bật của Lê Chân trong năm 2019 được khơi nguồn từ chặng đường 3 năm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Việc học tập, làm theo Bác không còn là lý thuyết suông, hình thức mà đi vào thực chất, lâu dài, tự giác và có hiệu quả cao, lan tỏa thành những việc làm vì dân rất thiết thực”.

Những lời chân tình ấy của Phó Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Phiệt được minh chứng bằng thực tế mà tôi mắt thấy tai nghe ở mảnh đất này. Quận Lê Chân những ngày cuối năm 2019 khiến tôi ngỡ ngàng. Nơi đây đang đổi thay từng ngày, từng giờ; đổi thay từ diện mạo, cảnh quan bừng sáng cho tới lòng dân phơi phới. Một Lê Chân không còn điểm đen tệ nạn xã hội, không còn hộ nghèo, không còn những mái nhà xuống cấp...

Lãnh đạo quận Lê Chân giám sát việc sơn tường cho nhà dân bên đường tàu.

Học Bác, quận Lê Chân nói đi đôi với làm, gần dân, sát dân. Bí thư, chủ tịch các phường thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại với nhân dân, thẳng thắn, không né tránh. Những vấn đề nào đã được Bí thư, Chủ tịch phường cam kết thì đều được thực hiện dứt điểm ngay sau buổi đối thoại. Nếu thuộc thẩm quyền của quận, thành phố thì phường nhanh chóng báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo.

Đã hơn 2 tháng nay, quận Lê Chân thực hiện kê hoạch “Thứ bảy cùng dân” chỉn chu, nghiêm túc và mang tính lâu dài. Lý giải ý nghĩa và chi tiết kế hoạch này, Phó Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Phiệt cho hay: “Đó là sự lan tỏa sau cuộc thi vì học Bác là bài học vì dân, xuống với dân, cùng dân giải quyết những khó khăn, xây dựng cuộc sống mới. “Thứ bảy cùng dân” để làm những việc lợi ích cho xóm, ngõ. Thứ bảy, mỗi phường phải chọn làm một việc cụ thể cho dân và giải quyết triệt để luôn, chứ không đặt ra nhiều việc, dàn trải khiến nói mà không làm được. Trong giờ hành chính, nếu chưa kịp trả lời dân thì phải có cán bộ phường trực thứ bảy để đưa ra câu trả lời cho dân. Khi giải phóng mặt bằng, người dân phải di chuyển đồ đạc, thì thứ bảy là ngày các phường đưa xe ô tô đến để giúp dân vận chuyển”.

Đội ngũ cán bộ quận Lê Chân cũng thay đổi tích cực, rõ rệt về tư duy làm việc, trở nên kỷ cương, trách nhiệm, quyết liệt, hiệu quả, nhưng lại thân thiện, nghĩa tình với dân. Tất cả công chức đã đăng ký học tập và làm theo Bác, gắn với đề án, vị trí việc làm của mình, thể hiện trách nhiệm của mình trước dân. Và từ giữa năm 2019, quận Lê Chân cử cán bộ trưởng, phó phòng, ban, đơn vị đến sinh hoạt cùng chi bộ tổ dân phố, trực tiếp nghe tâm tư phản ánh của các đảng viên. Được chia sẻ, được thấu hiểu nên người dân Lê Chân luôn đồng thuận, hưởng ứng những mọi việc mà quận đề ra.

Không để ai ở lại phía sau

Sự cương quyết đổi mới ấy đã đem đến cho quận Lê Chân một kết quả xứng đáng. 2019 là một năm ghi dấu ấn, một mốc son không thể quên của quận. Nổi trội và đáng tự hào nhất là công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người nghèo, gia đình chính sách. Đầu năm 2019, quận Lê Chân còn 317 hộ nghèo. Đến cuối năm, số hộ nghèo là 0. Trước những con mắt ngạc nhiên pha lẫn thán phục, Phó Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Phiệt cho biết: “Không được phép để ai ở lại phía sau. Làm theo tinh thần đó của Thủ tướng Chính phủ, Lê Chân đã đặt ra 7 giải pháp hỗ trợ người nghèo: Hỗ trợ công ăn việc làm, bảo hiểm y tế, học phí, cho vay vốn kinh doanh, xây dựng - sửa chữa nhà, quỹ bảo trợ xã hội cho những người nghèo không còn sức khỏe, huy động xã hội hóa lập quỹ để cấp cho những hộ không thể tự thoát nghèo mỗi tháng một khoản tiền cố định. Năm 2019, quận Lê Chân đã sửa chữa và xây mới cho 59 ngôi nhà cho gia đình chính sách với chi phí từ 30 - 100 triệu đồng/căn từ nguồn xã hội hóa. 7 giải pháp này đã được quận thực hiện từ tháng 6 và quyết tâm thực hiện lâu dài. 500 hộ cận nghèo và vừa thoát nghèo, Tết này, quận hỗ trợ cho mỗi hộ 1,6 triệu đồng”.

Bộ mặt đô thị quận Lê Chân được chỉnh trang khang trang, sạch đẹp.

Luôn lấy dân làm tâm điểm, bởi vậy, ngay trong quá trình chỉnh trang đô thị, việc xây dựng công viên, khu vui chơi, tập thể dục cho người dân được quận Lê Chân đặc biệt chú trọng. Nơi nào có vỉa hè rộng, quận sẽ đưa các máy và dụng cụ thể thao cùng đồ chơi để sáng - chiều, người lớn và trẻ em có thể đến đó tập thể dục, vui chơi.

Còn nhớ tuyến đường tàu dài 2km chạy qua 6 phường: Trần Nguyên Hãn, Lam Sơn, Cát Dài, Hồ Lam, An Biên, An Dương từng là một tụ điểm về tệ nạn xã hội. Quận đã đến tận nơi khảo sát và yêu cầu 6 phường họp lại, bằng nguồn hỗ trợ xi măng của thành phố, huy động xã hội hóa đổ bê tông toàn bộ hai bên hành lang đường tàu; đồng thời cấp sơn để nhân dân sơn lại tường. Bên cạnh đó, mỗi nhà được cấp 1 lá cờ để treo dịp lễ, Tết. Với những động thái quyết liệt ấy, câu chuyện đường tàu gắn với tụ điểm tệ nạn xã hội ấy chỉ còn là quá khứ. Tuyến đường tàu giờ trở thành một hình mẫu văn minh đô thị. Còn khu Láng Bè (phường Lam Sơn) vốn là nơi họp chợ tràn lan, bao năm không giải tỏa được, nhưng chỉ 1 tháng sau khi lãnh đạo quận Lê Chân đối thoại trực tiếp với dân, nơi đây không còn cảnh bán hàng, lấn chiếm của các hộ dân.

Năm 2019, quận Lê Chân cải tạo 504 ngõ, trong đó thành phố hỗ trợ xi măng, quận hỗ trợ cống, nhân dân bỏ cát, đá và công. Tổng cộng 2 năm 2018 - 2019, quận Lê Chân có 55km ngõ được cải tạo và số tiền mà dân đóng góp cho việc này là trên 25 tỷ đồng. Đến nay, Lê Chân đã không còn ngõ, ngách xuống cấp.

Giải phóng mặt bằng - một câu chuyện khó khăn phức tạp nhưng năm 2019, quận Lê Chân đã làm thông suốt nhờ làm tốt công tác tuyên truyền vận động và thực hiện “3 gặp 4 biết”. Lê Chân đã giải phóng được 50ha của dự án khu đô thị Cầu Rào 2; 4ha của dự án Khu đô thị của Hoàng Huy; 9,3ha trung tâm thương mại Aon của Nhật. Chưa kể việc giải phóng mặt bằng tại các dự án nhỏ. Ông Nguyễn Văn Phiệt cho hay: “Bí quyết chính là phải công khai minh bạch cho dân biết chính sách, mục đích của dự án, biết hoàn cảnh từng gia đình và biết quyền lợi của dân trong dự án đó. Song song đó, phải gặp từng người dân, gặp nhiều lần và gặp cho đến khi thuyết phục được”.

Thực hiện tinh thần của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chính phủ kiến tạo là phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, tạo khuôn khổ pháp luật để định hướng cho sự phát triển và nâng cao chất lượng công vụ, cán bộ nào làm không tốt thì thay, quận Lê Chân trong năm 2019 và năm 2020 đặc biệt trăn trở và yêu cầu cao đối với nhận thức trách nhiệm của cán bộ công chức trong việc phục vụ dân; Nâng cao chất lượng của bộ máy công quyền, chất lượng bộ máy công vụ, cải cách hành chính, chất lượng đội ngũ cán bộ viên chức để phục vụ nhân dân tốt hơn.

Phó Bí thư Quận ủy Nguyễn Văn Phiệt nhấn mạnh: “Đội ngũ cán bộ phải nhớ và nắm chắc nội dung mình phụ trách để dân hỏi đến lĩnh vực đó thì lập tức có câu trả lời chính xác cho dân ngay. Biết đây là một áp lực rất lớn nhưng phải biến áp lực thành động lực. Có áp lực sẽ nghĩ ra cách làm hay, sáng tạo. Nếu không làm được thì để người đủ năng lực vào làm”.

Những việc làm của quận Lê Chân khiến dân phấn khởi. Và hơn cả thế, niềm tin của dân đang nhân lên. Tôi đọc được điều ấy khi về Lê Chân, Hải Phòng vào những ngày năm hết Tết đến này!./.

Ngọc Vũ - Bùi Cư

 

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận